Top 10 Bài thơ hay nhất của nhà thơ Thế Lữ

Phương Kem 2619 0 Báo lỗi

Thế Lữ (1907 – 1989; tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Ông nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với ... xem thêm...

  1. (Lời con hổ ở vườn Bách thú)

    Tặng Nguyễn Tường Tam


    Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

    Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,

    Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

    Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,

    Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,

    Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

    Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,

    Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.


    Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

    Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.

    Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

    Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

    Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

    Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

    Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

    Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,

    Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

    Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,

    Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.


    Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

    Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

    Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

    Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

    Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

    Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

    Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.

    Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

    Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

    Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?


    Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,

    Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,

    Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:

    Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;

    Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng

    Len dưới nách những mô gò thấp kém;

    Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,

    Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

    Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.


    Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

    Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.

    Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,

    Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

    Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,

    Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

    Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,

    Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!


    1936

    Nguồn:

    1. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

    2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

    Gọi điện
    Nhớ rừng
    Nhớ rừng
    Nhớ rừng

  2. Tặng Ngô Bích San


    Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,

    Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.

    Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,

    Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...

    Tiên Nga tóc xoã bên nguồn.

    Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;

    Mây hồng ngừng lại sau đèo,

    Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.

    Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa

    Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.

    Theo chim, tiếng sáo lên khơi,

    Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.

    Khi cao, vút tận mây mờ,

    Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,

    Êm như lọt tiếng tơ tình,

    Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.

    Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,

    Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay...


    Trên đây là bài thơ theo bản in lần thứ 2 năm 1941.


    Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Bài thơ này từng được sử dụng trong phần đọc thêm SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.


    Nguồn:

    1. Thế Lữ, Mấy vần thơ, NXB Đời nay, 1941

    2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004

    3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

    Gọi điện
    Tiếng sáo Thiên Thai
    Tiếng sáo Thiên Thai
  3. Gửi cho Tứ Ly


    Tôi là người bộ hành phiêu lãng

    Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi:

    Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc, câu cười,

    Trong lúc gian lao, trong giờ sung sướng,

    Khi phấn đấu cũng như hồi mơ tưởng.

    Tôi yêu đời cùng với cảnh lầm than,

    Cảnh thương tâm, ghê gớm, hay dịu đàng.

    Cảnh rực rỡ, ái ân hay dữ dội.


    Anh dù bảo: tính tình tôi hay đổi,

    Không chuyên tâm, không chủ nghĩa: nhưng cần chi?

    Tôi chỉ là một khách tình si

    Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.

    Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,

    Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca

    Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối, hay ngây thơ,

    Cũng như vẻ Đẹp cao siêu, hùng tráng

    Của non nước, của thi văn, tư tưởng.

    Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;

    Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;

    Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;

    Cảnh vĩ đại, sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ;

    Nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay;

    Cảnh cơ hàn nơi nước đọng bùn lầy;

    Thú sán lạn mơ hồ trong ảo mộng;

    Chí hăng hái đua ganh đời náo động:

    Tôi đều yêu, đều kiếm, đều say mê.

    Tôi sẵn lòng đau vì tiếng ai bi,

    Và tôi cảm khái bởi những lời hăng hái.

    Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi,

    Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,

    Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,

    Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu,

    Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu;

    Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu;

    Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu;

    Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.


    Trên đây là bài thơ theo bản in lần thứ 2 năm 1941 sau khi đã được tác giả sửa chữa.


    Nguồn:

    1. Thế Lữ, Mấy vần thơ, NXB Đời nay, 1941

    2. Mấy vần thơ (tập mới), NXB Đời nay, Hà Nội, 1941

    3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

    Cây đàn muôn điệu
    Cây đàn muôn điệu
  4. Tặng tác giả "Đoạn tuyệt"


    "Anh đi đường anh, tôi đường tôi,

    Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

    Đã quyết không mong xum họp mãi.

    Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?"


    Non nước đang chờ gót lãng du,

    Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,

    Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc

    Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ.


    "Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,

    Đem chí bình sinh dãi nắng mưa,

    Thân đã hiến cho đời gió bụi

    Đâu còn lưu luyến chút duyên tơ?"


    Rồi có khi nào ngắm bóng mây

    Chiều thu đưa lạnh gió heo may

    Dừng chân trên bến sông xa vắng,

    Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây;


    "Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy

    Giam hãm thân trong cảnh nặng nề,

    Vẫn để hồn theo người lận đận;

    Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.


    Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,

    Em muốn cho ta chẳng thảm sầu.

    Nhưng chính lòng em còn thổn thức,

    Buồn kia em giấu được ta đâu?


    Em đứng nương mình dưới gốc mai,

    Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,

    Cười nâng tà áo đưa lên gió,

    Em bảo: hoa kia khóc hộ người.


    Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,

    Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.

    Nhưng trong khoảnh khắc thờ ơ ấy,

    Thấy cả muôn đời hận biệt ly.


    Năm năm theo tiếng gọi lên đường,

    Tóc lộng tơi bời gió bốn phương.

    Mấy lúc thẫn thờ trông trở lại,

    Để hồn mơ tới bạn quê hương.


    Ta muốn lòng ta cứ lạnh lùng

    Gác tình duyên cũ chẳng đường trông.

    Song le hương khói yêu đương vẫn

    Phảng phất còn vương vấn cạnh lòng.


    Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan.

    Trong lúc gần xa pháo nổ ran.

    Rũ áo phong sương trên gác trọ.

    Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.


    Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi,

    Trên đường rộn rã tiếng đua cười,

    Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy.

    Cùng ngắm xuân về trên khóm mai.


    Lòng ta tha thiết đượm tình yêu,

    Như cảnh trời xuân luyến nắng chiều,

    Mắt lệ đắm trông miền cách biệt,

    Phút giây chừng mỏi gót phiêu lưu...


    Cát bụi tung trời -- Đường vất vả

    Còn dài -- Nhưng hãy tạm dừng chân,

    Tưởng người trong chốn xa xăm ấy

    Chẳng biết vui buồn đón xuân?


    1937

    Nguồn:1. Tuyển tập Tự lực văn đoàn (tập III), NXB Hội nhà văn, 2004

    2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

    Giây phút chạnh lòng
    Giây phút chạnh lòng
    Giây phút chạnh lòng
    Giây phút chạnh lòng
  5. Top 5

    Ma tuý

    I

    Khói chiều lên, khói huyền lên...

    Mắt say đậu ở ngọn đèn dần lu.

    Tưởng bầu mây gió hư vô,

    Tưởng vừng trăng lạ mơ hồ đâu đây.

    Ở đâu ta ở chốn này?

    Nằm trong Hờ Hững gối tay Vô Tình

    Nhỏ to bạn hữu quanh mình

    Trông ra vẫn có mà hình như không

    Ưu tư rời bỏ cõi lòng

    Hình hài vụt chốc bình bồng phiêu dao...

    Dật dờ, trí thấp hồn cao

    Thoáng qua ngàn cánh áo đào Thiên Tiên.


    II


    Khói huyền lên... khói huyền lên...

    Mộng pha hơi tía mây huyền trong mây

    Bầu trời nồng ngát hương ngây

    Kìa trông trong đắm trong say muôn hình

    Lung linh vàng dội cung Quỳnh

    Nhịp nhàng biến hiện những mình Tiên Nga

    Chập chờn gần tưởng như xa

    Ngọc reo muôn tiếng đờn ca im lìm

    Hàng châu lặng lẽ rơi chìm

    Dưới hồ trong biếc. - Bên thềm đăm đăm

    Hai cô lả lướt nghiêng nằm

    Hai cô đứng thắp hương trầm hai bên...


    *


    Khói huyền lên... khói huyền lên

    Thuyền trôi lững thững. - Đào Nguyên đâu rồi?


    Nguồn:

    1. Báo Ngày nay, số 198 (số Tết), ngày 27-1-1940, trang 12

    2. Tuyển tập Tự lực văn đoàn (tập III), NXB Hội nhà văn, 2004

    Bài thơ Ma tuý - Thế Lữ
    Bài thơ Ma tuý - Thế Lữ
    Bài thơ Ma tuý - Thế Lữ
    Bài thơ Ma tuý - Thế Lữ
  6. Làn gió bên sông lẹ cánh đưa

    Nắng chiều tươi nhuộm cảnh trong mơ:

    Bóng cây trên cỏ vươn mình ngả;

    Tha thướt Nàng Xuân bước thẩn thơ;


    Trời biếc, én nghe chèo vỗ nước;

    Nhớ nhung, ai tiếc cánh buồm xa?

    Cô hàng đâu biết ta buồn nhỉ,

    Đon đả ra chào hỏi khách qua.

    Chiều Bâng Khuâng
    Chiều Bâng Khuâng
    Chiều Bâng Khuâng
    Chiều Bâng Khuâng
  7. Gió mây đuổi giấc mơ màng,

    Tỉnh ra thấy ánh trăng vàng bên chăng.

    Trước cửa sổ, đầy sân những bóng

    Cành lá đen lay động vật vờ…

    Một cơn gió vội vàng qua;

    Sau hiên sào sạc mấy tầu chuối xanh:

    Lá bay chạm bức mành vắng vẻ;

    Muỗi bên màn se sẽ than thân;

    Sâu thềm rủ rỉ âm thầm

    Nối muôn đêm, một tiếng ân hận dài;

    Dế chân cỏ siết mà bóng tối;

    Bờ lau xa quốc gọi buồn theo;

    Trời khuya rạng rỡ đìu hiu,

    Thoảng nghe lọt tiếng sáo diều trong trăng.

    Thức giấc
    Thức giấc
    Thức giấc
  8. Top 8

    Yêu

    Ta đi thơ thẩn bên vườn mộng,

    Em nấp sau hoa khúc khích cười,

    Ngừng bước ta còn đương bỡ ngỡ,

    Lẳng lơ em ngắt đoá hồng tươi…


    Em ném cho lòng ta đón lấy,

    Bông hoa phong kín ý yêu đương.

    Hay đâu hoa giấu mầm gai sắc

    Sướt cạnh lòng ta mấy vết thương.


    Yêu em từ đó ta phơi phới,

    Sống ở trong nguồn thú đắm say,

    Nhưng cũng sống trong đau khổ nữa.

    Miệng cười trong lúc nhắm chua cay.

    Yêu
    Yêu
    Yêu
    Yêu
  9. Thôi nhé đường đời đã biết nhau,

    Thà rằng quên trước khỏi quên sau.

    Đa mang chi nữa tình mây nước,

    Để mặc sương sa bạc mái đầu.

    Rồi ánh trăng kia với gió thâu,

    Với sương hồ lạnh, với ngàn lau,

    Với bao cảnh đẹp vui khi trước

    Ủ rủ vì em nặng khối sầu.

    Tan vỡ
    Tan vỡ
    Tan vỡ
    Tan vỡ
  10. Tặng Thạch Lam


    Trên mặt hồ in mầu ngọc biếc,

    Cô em đang chơi chiếc thuyền con,

    Lẳng lơ, như cái chuồn chuồn,

    Rỡn đuôi trên nước chập chờn ghẹo hoa.


    Chân gió nhẹ lướt qua làn sóng,

    Nắng chiều xuân rung động trên cành,

    Mấy hàng lau yếu nghiêng mình.

    Cô em bỗng ngẩn ngơ tình vì đâu?


    Đặt mái chèo, ngả đầu trên gối,

    Trông mây chiều phơi phới trên kia...

    Hỏi xem mây có duyên gì,

    Mà con chim én đi về lửng lơ...?


    Trên vừng trán ngây thơ, trong sáng,

    Vẩn vơ qua một áng hương buồn.

    Giây lâu cô vẫn như còn

    Lâng lâng trông gửi tâm hồn lên cao.


    Tiếng diều sáo nao nao trong vắt,

    Trời quang mây, xanh ngắt mầu lơ.

    Thuyền trôi, nước đẩy hững hờ.

    Hàng cây lặng đứng trên bờ trông mong.


    Ấy đăm đăm mơ mòng chi đó,

    Hỡi cô em má đỏ hây hây?

    Hỡi cô thiếu nữ trông mây

    Thẩn thơ nhìn chiếc én bay lưng trời?


    Khiến cho cảnh bồi hồi ngây ngất,

    Tiếng sáo chưa nỡ dứt trên không,

    Khiến cho hồ nước mịt mùng,

    Ngày không muốn hết, ta không muốn về.


    Trên đây là bài thơ theo bản in lần thứ 2 năm 1941.


    Nguồn:

    1. Thế Lữ, Mấy vần thơ, NXB Đời nay, 1941

    2. Tuyển tập Tự lực văn đoàn (tập III), NXB Hội nhà văn, 2004

    Hồ Xuân Và Thiếu Nữ
    Hồ Xuân Và Thiếu Nữ
    Hồ Xuân Và Thiếu Nữ
    Hồ Xuân Và Thiếu Nữ



xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |