Top 10 Bài thơ hay nhất của nhà thơ Phan Bội Châu
Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam. Ông sinh năm 1867 và mất năm 1940. Phan Bội Châu sinh ra tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam ... xem thêm...Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Thơ của Phan Bội Châu thể hiện lòng yêu nước tiến bộ, chủ trương đoàn kết rộng rãi và chủ nghĩa anh hùng tiến bộ. Trong bài viết dưới đây cùng Toplist đến với các bài thơ hay nhất của nhà thơ Phan Bội Châu.
-
Xuất dương lưu biệt
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.Dịch nghĩa
Đã sinh làm kẻ nam nhi thì cũng phải mong có điều lạ,
Há lại để trời đất tự chuyển vần lấy sao!
Giữa khoảng trăm năm này, phải có ta chứ,
Chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư?
Non sông đã chết, sống chỉ nhục,
Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!
Mong đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông,
Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.Bài này Phan Bội Châu làm ngày mùng 2 tháng Giêng năm Ất Tị 1905 khi xuất dương ở cảng Hải Phòng để từ giã các đồng chí để sang Nhật Bản. Về sau ông có chép bài này trong Ngục trung thư.
Nguồn:
1. Văn thơ Phan Bội Châu, NXB Văn học, 1965
2. Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh nghĩa thục - Chương 2, NXB Văn hoá Thông tin, 2004
-
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn bể,
Lại người có tội giữa năm châu.
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.Bài thơ này sáng tác đầu năm 1914 trong lúc tác giả bị quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam để tự an ủi mình. Bài thơ được trích từ đoạn cuối Ngục trung thư, vốn không có tựa, tựa đề do người sau đặt.
Nguồn: Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX, NXB Văn học, 1976
-
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?
Buồn cùng sông, thẹn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khoả lũ đầu xanh
Thưa các cô các cậu lại các anh
Trời đã mới người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào gánh vác cựu giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại
Ai hữu trí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng “nhật nhật tân, hựu nhật tân”Đầu xuân 1927, học sinh trường Quốc học và trường Nhà dòng Huế đến mừng thọ Phan Bội Châu 60 tuổi. Đây là bài thơ ông đáp từ. Báo Tân thế kỉ số ra ngày 3-2-1927 đã giới thiệu toàn văn bài thơ.
Bài thơ này từng được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.
-
Phiêu bồng ngã bối các tha hương,
Tân khổ thiên quân phận ngoại thường.
Tính mạng kỷ hồi tần tử địa,
Tu mi tam độ nhập linh đường.
Kinh nhân sự nghiệp thiên đào chú,
Bất thế phong vân đế chủ trương.
Giả sử tiền đồ tận di thản,
Anh hùng hào kiệt giã dung thường.Bài thơ này trích từ đoạn cuối Ngục trung thư của Phan Bội Châu. Theo lời tác giả, ông làm để an ủi Mai Lão Bạng (1866-1942), một linh mục theo Việt Nam quang phục hội cùng bị bắt vào ngục.
-
Quân bất kiến Nam, Xuân tự cổ đa danh sĩ,...
Đã chơi xuân đừng quản nghĩ chi chi:
Khi ngâm nga xáo lộn cổ kim đi,
Tùa tám cõi ném về trong một túi.Thơ rằng:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi,
Mặt mũi anh hùng há chịu ri!
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi,
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế.
Phùng xuân hội, may ra ừ cũng dễ,
Nắm địa cầu vừa một tí con con!
Đạp toang hai cánh càn khôn,
Đem xuân vẽ lại trong non nước nhà!
Hai vai gánh vác sơn hà,
Đã chơi, chơi nốt, ố chà chà xuân!Trước 1905
Nguồn: Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập (tập 1), NXB Thuận Hoá, 1990, tr. 237-238; dẫn lại từ Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1959, tr. 113
-
Tay ba lần gãy,
Mới biết thuốc tiên.
Đánh trăm trận quen,
Mới hay tướng giỏi.
Nếu không thất bại,
Sao có thành công.
Xưa nay anh hùng,
Từng thua mới được.
Cờ vì lỡ bước,
Bàn trước chịu thua.
Tính kỹ toan sâu,
Bàn sau chắc được.
Chông gai ngan ngác,
Sóng gió tơi bời.
Vượt núi qua vời,
Vẫn nhiều gian trở.
Vấp cây chạm đá,
Là thợ đem đường.
Lỗi hướng lầm phương,
Là thầy chỉ lối.
Càng nhiều thất bại,
Càng chắc thành công.
Xin chớ ngã lòng,
Xin càng bền chí.
Ngã rồi liền dậy,
Muôn dặm không xa.
Chèo mãi phải qua,
Bờ kia hẳn tới.
Trời đâu ta hỏi,
Xem thử gan già. -
Qua cảnh Sầm Sơn chẳng nỡ rời,
Bồng Lai kia cũng thế mà thôi.
Non xanh bát ngát cây chen đất,
Bể bạc mênh mông sóng lẫn trời.
Chủ lái đầu thuyền hì hục chở,
Cô đầm bãi bể nhởn nhơ chơi.
Non sông dáng cũng non sông cũ,
Chạnh mối tang thương khó dở cười.Khoảng năm 1902, Phan Bội Châu trên đường ra Bắc liên kết đồng chí, có ghé qua Thanh Hoá, thăm bãi biển Sầm Sơn và làm bài thơ này. Bài thơ do cụ Nguyễn Văn Lan 79 tuổi, người xã Nam Hoà, Nam Đàn, Nghệ Tĩnh, cung cấp năm 1967.
Nguồn: Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập (tập 1), NXB Thuận Hoá, 1990, tr. 236
-
Đoàn Tử Quang xuân thu bát thập nhị,
Đường hoàng triều Canh Tý chi niên.
trên cửu trùng có chiếu cầu hiền,
già lọm cọm đề tên ứng thí.
từ trường nhất rồi sang trường nhị,
Qua trường tam, văn lý đủ ưu bình.
Chờ đến ngày treo bảng xướng danh,
Thứ hai mươi mốt rành rành trong Hương giải.
Quan bảng tịnh vô bằng bối tại,
Hồi gia duy hữu tử tôn nghinh.
Trước sân Lai rót chén rượu quỳnh,
Già lững chững áng mây xanh liền dưới gót.
Phong thổ tốt mà phúc nhà cũng tốt,
Trong khoa trường âu có một không hai.
Làm trai đã đáng thân trai,
Giữ trung hiếu vẹn hoà hai là hạnh thậm.
Việc thi cử học hành ai dễ cấm,
Quyết làm sao cho “mã thượng cẩm y hồi”.
Kẻo đến khi tóc bạc da mồi!Cụ Đoàn Tử Quang (1818-1928) người xã Phụng Công (nay là Đức Lạc, Đức Thọ, Nghệ Tĩnh), năm Canh Tý 1900 đã 82 tuổi vẫn lều chõng đi thi Hương, đỗ bằng cử nhân để thoả lòng bà mẹ già năm đó đã 98 tuổi, năm sau được bổ chức Huấn đạo huyện Hương Sơn. Theo lệ thời đó, các quan thường 65 tuổi đã nghỉ hưu, nhưng cụ Đoàn vẫn được triều đình đặc cách bổ dụng để tỏ lòng ưu ái người đã say mê học tập suốt đời, tuy thi cử lận đận mà không nản chí và cũng là giúp ông thực hiện được hoài bão đem những điều đã học để thi thố với đời. Kỳ thi năm 1900, Phan Bội Châu đỗ đầu (giải nguyên), tặng cụ Đoàn bài hát nói này.
Nguồn: Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập (tập 1), NXB Thuận Hoá, 1990, tr. 235; Bài thơ do cụ Đầu xứ Hùng (Nguyễn Mộng Lý) cung cấp, có tham khảo thêm bài của cụ Hồng Lam trong “Giai thoại khoa cử” đăng trên Tạp chí Minh Tân, Sài Gòn, số 28, ngày 25-8-1964
-
Vân yên diểu diểu, thạch sàm ngoan,
Phỏng tự, hoài nhân, thướng Cảm San.
Thế lộ thăng trầm không sắc ngoại,
Danh thần tâm sự ái ưu gian.
Tây thiên phong nguyệt nhân trường vãng,
Nam quốc sơn xuyên mộng vị tàn,
Đạo cốt trung hồn hà xứ mịch?
Chung thanh, cầm vận hưởng thiền quan.Khoảng năm Thành Thái thứ 2 (1890), Phan Bộ Châu có dịp đi vào Hà Tĩnh, ghé thăm Cảm Sơn tức Núi Nài (thuộc xã Đại Nài, huyện Thạch Hà) là nơi mà trước đó trên 30 năm, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã sống những ngày tuổi già. Trước khi rời đi, ông làm bài thơ này.
Nguồn: Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập (tập 1), NXB Thuận Hoá, 1990, tr. 183; dẫn lại từ Hồng Liên, Lê Xuân Giáo, Hy Văn tướng công di truyện, Bộ Văn hoá giáo dục và Thanh niên xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr. 83-84
-
Thời thế xui nên giả vợ chồng,
Lấy anh chưa dễ đã nằm chung,
Ừ chơi, coi nó toi đồng bạc,
Há chịu cho ai nếm má hồng!
Cười gượng lắm khi che nửa mặt,
Khóc thầm vì nỗi khác hai lòng.
Bao giờ duyên mới thay duyên cũ,
Thoả thuận cùng nhau tát bể đông!Năm 1925, Phan Bội Châu bị bắt giải về Hà Nội và kết án tử hình, nhưng được ân xá và đưa về giam lỏng ở Huế. Ở đây, ông hay xuống nằm nghỉ mát trên một chiếc thuyền con neo dưới gốc cây sung đầu cầu Bến Ngự. Nhân thoáng nghe một cô lái đò đậu gần đó hát “Ăn sung nằm gốc cây sung, Lấy anh thì lấy nằm chung không nằm”, ông cao hứng làm bài thơ này để nói lên tình cảnh cô gái Việt bị ép duyên với anh chồng Pháp.
Nguồn: Triệu Xuân, Vũ Bằng toàn tập (tập 4), NXB Văn học, 2006